Hệ thống điều hòa trung tâm VRV/VRF là một giải pháp tối ưu cho các tòa nhà thương mại, nhà hàng, khách sạn và biệt thự cao cấp nhờ hiệu quả làm mát vượt trội, khả năng tiết kiệm năng lượng, tính linh hoạt và độ ồn thấp. Bài viết này sẽ đi sâu vào phân tích hiệu quả làm mát của điều hòa trung tâm VRV/VRF, giúp bạn hiểu rõ hơn về những lợi ích mà hệ thống này mang lại.
1. Các yếu tố ảnh hưởng tới hiệu quả làm mát của điều hòa trung tâm VRV/VRF
Để tính toán được hiệu quả làm mát của hệ thống điều hòa trung tâm VRV/VRF, trước hết chúng ta cần xem xét các điều kiện có thể ảnh hưởng tới tiêu chí này là gì.
1.1. Yếu tố kỹ thuật
Bước đầu tiên trong thiết kế, lắp đặt bất cứ hệ thống điều hòa nào là tiêu chí về diện tích và nhu cầu sử dụng. Các kỹ sư và người dùng cần xác định rõ diện tích, đặc điểm, công năng sử dụng của công trình để từ đó tính toán ra được công suất máy phù hợp. Lựa chọn công suất quá nhỏ sẽ khiến hệ thống hoạt động quá tải, giảm hiệu quả làm mát và tăng tiêu hao điện năng. Ngược lại, lựa chọn công suất quá lớn sẽ dẫn đến lãng phí điện năng.
Thứ hai là về công nghệ của hệ thống điều hòa trung tâm. Với các hệ thống VRV/VRF được trang bị công nghệ biến tần Inverter đều có khả năng điều chỉnh tốc độ máy nén theo nhu cầu làm mát. Nhờ vậy, hệ thống có thể duy trì nhiệt độ ổn định và giảm thiểu tiếng ồn. Đồng thời, nó cũng giúp giảm thiểu tổn thất điện năng trong quá trình truyền tải, giúp hệ thống hoạt động hiệu quả hơn so với thông thường.
Một yếu tố kỹ thuật quan trọng khác là về thi công lắp đặt, bao gồm:
– Vị trí lắp đặt dàn nóng: Cần lắp đặt dàn nóng tại vị trí thông thoáng, tránh ánh nắng trực tiếp và các nguồn nhiệt khác. Việc lắp đặt sai vị trí có thể ảnh hưởng đến hiệu quả trao đổi nhiệt, dẫn đến giảm hiệu quả làm mát và tăng tiêu hao điện năng.
– Chiều dài đường ống dẫn gas: Chiều dài đường ống dẫn gas càng dài, hiệu quả làm mát càng giảm. Do đó, khi thiết kế hệ thống VRV/VRF bạn cần lựa chọn được vị trí lắp đặt dàn nóng sao cho tối ưu chiều dài đường ống nhất có thể.
– Cách nhiệt đường ống dẫn gas: Cần bọc cách nhiệt cho đường ống dẫn gas để giảm thiểu thất thoát nhiệt ra môi trường, giúp nâng cao hiệu quả làm mát và tiết kiệm điện năng.
1.2. Yếu tố bên ngoài
Nhiệt độ môi trường cao ảnh hưởng đến hiệu quả làm mát của hệ thống VRV/VRF. Do đó, cần lưu ý đến yếu tố này khi lựa chọn công suất hệ thống và thiết kế hệ thống.
Bên cạnh đó, độ ẩm cao cũng ảnh hưởng đến hiệu quả làm mát của hệ thống VRV/VRF. Khi độ ẩm cao, khả năng trao đổi nhiệt của hệ thống sẽ giảm, dẫn đến hiệu quả làm mát thấp hơn.
1.3. Yếu tố bảo trì
– Vệ sinh dàn lạnh và dàn nóng: Cần vệ sinh dàn lạnh và dàn nóng định kỳ để loại bỏ bụi bẩn, đảm bảo lưu thông khí tốt và nâng cao hiệu quả làm mát.
– Kiểm tra gas: Cần kiểm tra gas định kỳ để đảm bảo lượng gas đầy đủ cho hệ thống. Lượng gas thiếu hụt sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả làm mát và có thể dẫn đến hư hỏng hệ thống.
– Bảo dưỡng hệ thống: Cần bảo dưỡng hệ thống VRV/VRF theo khuyến cáo của nhà sản xuất để đảm bảo hệ thống hoạt động hiệu quả, bền bỉ và tiết kiệm chi phí vận hành.
2. Đánh giá hiệu quả làm mát của hệ thống VRV/VRF
Ngoài yếu tố kỹ thuật và bảo trì cần sự chính xác thì các yếu tố còn lại sẽ có sự biến thiên nhất định phụ thuộc vào vị trí và đặc điểm cấu trúc của từng công trình. Do đó, để tính toán hiệu quả làm mát của hệ thống VRV/VRF một cách chính xác là không đơn giản. Do đó, chúng ta sẽ căn cứ vào các thông số kỹ thuật dựa trên thử nghiệm thực tế của hãng sản xuất để đánh giá được hiệu quả làm mát của một hệ thống điều hòa không khí trung tâm VRV/VRF.
Chỉ số kỹ thuật phản ánh rõ hiệu quả điều hòa không khí và tiết kiệm năng lượng sử dụng trong hệ thống vrv/vrf nói riêng và tất cả các thiết bị điện nói chung là EER, SEER, CSPF và COP. Trên thực tế, hầu hết các nhà sản xuất công bố dữ liệu hiệu suất sưởi ấm dựa trên COP và hiệu quả làm mát dựa trên EER. Dưới đây là các chỉ số quan trọng dùng để đánh giá hiệu quả điều hòa không khí của hệ thống VRV/VRF
2.1. Chỉ số EER
EER (Energy Efficiency Ratio) là một phép đo hiệu suất được sử dụng để đánh giá hiệu quả năng lượng của các thiết bị điều hòa không khí. Chỉ số được tính bằng cách lấy tỷ số giữa hiệu suất làm mát (BTU/giờ) và công suất tiêu thụ điện (Watt) của hệ thống điều hòa. EER càng cao, hệ thống càng tiết kiệm điện năng và hiệu quả làm mát càng cao.
EER = Công suất lạnh/Công suất điện
Chỉ số EER mô phỏng hoạt động của máy lạnh ở mức tải đầy đủ và nhiệt độ ngoài trời và trong nhà cố định. Do vậy đối với các loại điều hòa không được trang bị công nghệ biến tần Inverter thường sử dụng chỉ số này để đo hiệu suất năng lượng. EER trung bình của máy lạnh trung tâm VRV/VRF cao trên 4.5. Chỉ số chính xác sẽ tùy thuộc vào thương hiệu, model, công suất và điều kiện hoạt động cụ thể.
2.2. Chỉ số SEER
SEER (Seasonal Energy Efficiency Ratio) là chỉ số hiệu suất năng lượng theo mùa. Chỉ số này thể hiện tỷ số giữa lượng nhiệt được tạo ra bởi một đơn vị điều hòa (đơn vị kW) và lượng điện năng tiêu thụ (đơn vị kW) ở chế độ làm mát. SEER càng cao, hệ thống càng hiệu quả, tiết kiệm điện năng hơn.
SEER = đầu ra trong một chu kỳ làm mát / năng lượng điện đầu vào
SEER mô tả hiệu suất dự kiến của một bộ điều hòa không khí ở chế độ làm mát trong một loạt các điều kiện thời tiết ngoài trời trong năm, trong khi EER chỉ đánh giá hiệu quả tại một điểm thời gian nhất định.
2.3. Chỉ số CSPF
CSPF (Cooling Seasonal Performance Factor) là từ viết tắt của “Cooling Season Performance Factor” là chỉ số hiệu suất làm lạnh toàn mùa. Đây là thước đo hiệu quả làm lạnh của hệ thống điều hòa không khí trong suốt cả năm. Chỉ số CSPF thể hiện lượng nhiệt lạnh mà hệ thống có thể tạo ra cho mỗi 1kWh điện năng tiêu thụ, tính toán dựa trên sự thay đổi nhiệt độ theo mùa trong một năm.
CSPF = Tổng công suất làm lạnh theo mùa/Tổng công suất tiêu thụ điện theo mùa.
EER và CSPF đều là những chỉ số đánh giá hiệu quả làm lạnh của hệ thống điều hòa không khí. Tuy nhiên, CSPF được đánh giá là chính xác và sát với thực tế hơn so với EER, nên được sử dụng cho các máy lạnh Inverter đời mới. Cụ thể:
– Tính toán chi tiết: CSPF tính toán hiệu quả làm lạnh dựa trên sự thay đổi nhiệt độ theo mùa trong một năm, mô phỏng sát với điều kiện sử dụng thực tế. EER chỉ tính toán hiệu quả tại một điểm nhiệt độ cố định, dẫn đến sai lệch so với hiệu quả thực tế.
– Phù hợp với máy lạnh inverter: Máy lạnh inverter có khả năng điều chỉnh công suất hoạt động theo nhu cầu sử dụng, giúp tiết kiệm điện năng hơn. CSPF phản ánh tốt hơn hiệu quả của hệ thống inverter so với EER.
2.4. Chỉ số COP
Bên cạnh EER và SEER, COP (Coefficient of Performance) cũng là một chỉ số quan trọng để đánh giá hiệu quả hoạt động của hệ thống điều hòa, máy lạnh và máy bơm nhiệt. COP thể hiện tỷ lệ giữa năng lượng làm lạnh hoặc sưởi ấm hữu ích (đơn vị kW) mà hệ thống tạo ra và lượng điện năng tiêu thụ (đơn vị kW) để vận hành. COP thường được dùng trong các dòng điều hòa hai chiều có chức năng sưởi ấm.
Giống như EER và SEER, giá trị COP càng cao, hệ thống càng tiết kiệm điện năng và hoạt động hiệu quả hơn. Chỉ số COP trung bình của hệ thống VRV/VRF được các hãng sản xuất công bố có thể đạt tới mức 4.
Nhìn chung, máy điều hòa trung tâm VRV/VRF đang là hệ thống dẫn đầu trong các chỉ số đo lường hiệu quả sử dụng năng lượng và điều hòa không khí so với các hệ thống khác như điều hòa cục bộ, máy lạnh multi. Vì vậy, có thể khẳng định về khả năng điều hòa không khí của hệ thống VRV/VRF đạt hiệu quả cao, đồng thời giảm mức tiêu thụ điện năng tới 30 – 40%.
Điều hòa trung tâm VRV/VRF là hệ thống điều hòa không khí hiệu quả cao, tiết kiệm năng lượng và linh hoạt. Ngoài các chỉ số kỹ thuật mô tả hiệu quả năng lượng như trên, người dùng cũng cần chú ý các yếu tố ảnh hưởng khác như công suất, vị trí lắp đặt, điều kiện khí hậu, công năng công trình… để tận dụng tối đa hiệu quả làm mát của hệ thống VRV/VRF nhà mình nhé.